Header Ads

Cách phân biệt tôn tượng Phật Thích Ca và A Di Đà

Cách phân biệt tôn tượng Phật Thích Ca và A Di Đà

Trong các chùa hiện nay thường thờ các tôn tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà bên cạnh các vị Bồ Tát, A La Hán… Tuy nhiên rất nhiều người vẫn không phân biệt được đâu là Tôn tượng A Di Đà, đâu là Phật Thích Ca.
Sự khác biệt giữa hai tôn tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà qua một vài đặc điểm của biểu tướng như sau

Tây Phương tam Thánh
Hình tượng Ngài không nhất thiết phải giống người Ấn Độ, vì theo quan niệm Phật giáo Bắc tông, nhất là Thiền tông cho rằng, mỗi người đều có ông Phật (Phật tính) nên người nước nào tạc tượng giống người nước đó. Từ nét mặt cho đến hình tướng. Nên hình tượng thờ trong các chùa không nhất thiết phải giống nhau. Đó là xét trên đại thể, còn các chi tiết thì tương đối giống nhau
Như ngồi trên tòa sen, hai bàn tay bắt ấn Tam muội (1), nhục kế trên đỉnh đầu, đôi mắt mở ba phần tư, và mặc ca sa (y) … Đó là một vài nét biểu tướng của Phật Thích Ca. Ngoài ra, các chùa còn có thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh tay chỉ thiên tay chỉ địa.
Về Tôn tượng đức Phật Di Đà, thông thường, có hai tượng mà chúng ta thường thấy: Tượng Ngài ngồi kiết già (2) trên tòa sen, tay kiết định ấn, tương tự Phật Thích Ca và tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng nổi lên rất cao, mắt Ngài nhìn xuống, tay trái bắt ấn cam lồ và đưa lên ngang vai, tay mặt duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi cứu vớt những chúng sinh đang đắm chìm trong bể khổ. Tượng này gọi là tượng Di Đà phóng quang. Về tượng đứng, thường bên cạnh Ngài có hai vị đại Bồ tát Quán Âm và Thế Chí. Bồ tát Quán Âm thì đứng bên tay trái và Bồ tát Thế Chí đứng bên tay phải của Ngài. Đây gọi là tượng Tam Thánh. Về tượng này, thì rất dễ phân biệt khác với tượng Phật Thích Ca.

Phật Thích Ca 

Phật Thích ca thường trong các chùa Phật giáo Bắc tông (Đại Thừa) đều thờ Ngài ở chính giữa chính điện. Nên gọi Ngài là đấng Trung Tôn, vì Ngài là vị Giáo chủ cõi Ta bà này.

Phật Thích ca

Còn về tượng ngồi, ta nên lưu ý sự khác biệt giữa hai tôn tượng như sau:
1. Tượng Phật Thích Ca không bao giờ duỗi một cánh tay.
2. Tượng Phật Thích Ca thường đắp y choàng qua cổ không có đắp y khoát vuông để trống trước ngực có chữ vạn. Ngược lại, tượng Phật Di Đà có đôi khi người ta tạc tượng Ngài ngồi tư thế kiết già và duỗi xoè bàn tay mặt. Y khoát cổ vuông và trước ngực có chữ vạn. Đó là hai nét chính khác với tượng Phật Thích Ca.


(1) Ấn Tam muôi: Bàn tay phải nằm chồng lên bàn tay trai để ngang dưới rún khi ngồi trong tư thế kiết già = Kim Cang Tọa
Tay trái nghĩa là Trí Huệ.
Tay phải = Từ Bi Phương Tiện Thiện Xảo.
2 bàn tay nằm chồng lên là nghĩa kết hợp của Từ Bi và Trí Tuệ. 
Vì kết hợp của Từ Bi và Trí Tuệ nên gọi là Tổng Nhiếp Tam Muội.

(2) Tư thế ngồi thiền kiết già còn được gọi là tư thế Liên Hoa (tức là Hoa Sen) – hoa sen mọc từ bùn, tự vươn lên khỏi những ô uế để giữ mình luôn thanh khiết trong sạch
www.tuonggodep.com. Được tạo bởi Blogger.